KTNT- Sự cần cù, chịu khó và năng động đã giúp ông Bùi Văn Phép, người từng bị coi là nghèo nhất phường Long Bình (quận 9 – TP.Hồ Chí Minh) trở thành tỷ phú. Hiện ông là chủ của hàng chục hồ cá cảnh, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng /năm.
Từ cơ cực, nghèo khó …
Xem thêm: Nông nghiệp là gì? Nhũng định nghĩa từ bách khoa toàn thư mở
Học hết trung học, Bùi Văn Phép (Ba Phép) lên đường nhập ngũ. Trong một trận đánh, anh bị thương và mất 2/3 cánh tay phải. Người ta vẫn nói “giàu đôi con mắt, khó hai bàn tay”, vì thế khó khăn với Ba Phép nhân lên gấp bội. Ngày đất nước giải phóng, Ba Phép mới 35 tuổi nhưng đã đùm đề 1 vợ 8 con. Gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai gày và cánh tay thương tật. Đất Long Bình là vùng trũng, trồng lúa không hợp, nên dù hai vợ chồng đầu tắt mặt tối nhưng vẫn không đủ ăn. Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, ông luôn gồng mình để gánh gia đình qua những tháng ngày khó khăn. Năm 1977, khi quận Thủ Đức phát động phong trào nuôi tôm càng xanh, Ba Phép vay 10 triệu đồng để làm ăn. Với lợi thế nhà nằm sát mé sông Đồng Nai, ông tận dụng tối đa nguồn tôm giống tự nhiên để tiết kiệm chi phí, tăng gia sản xuất. Không những thế, Ba Phép còn tự mình hì hục đào ao, tát đìa rồi lọ mọ thả chà, dụ tôm. Ngay vụ tôm đầu tiên ông đã trúng lớn. Sau 3 năm, ông có đủ vốn tích luỹ để quay vòng cho các vụ sau. Đầu năm 1980, ông bắt đầu bén duyên với nghề cá cảnh, nghệ nhân Sáu Sanh là người đã truyền nghề cho ông.
Ban đầu ông chỉ nuôi vài hồ và những giống cá đơn giản như bảy màu, hồng kim, hắc kim… rồi tiến dần đến cá sặc, phượng hoàng, ông tiên, chép Nhật, ba đuôi và mạnh dạn đầu tư lớn hơn nữa cho nghề nuôi cá cảnh.
Xem thêm: Địa chỉ mua bán kỳ đà kỳ nhông
Đến tỉ phú
Với phương châm “lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài”, ông cùng vợ con chăm sóc cho những hồ cá cảnh cần mẫn, chu đáo. Thời gian đầu ông gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ mày mò, học hỏi thêm kinh nghiệm, ông đã vượt khó và nhanh chóng thành công.
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết heo nái mang thai và cách chăm sóc
Người dân phường Long Bình bây giờ không ai không biết đến Ba Phép, người ta gọi ông là “tỷ phú một tay”. Nhà ông đã trở thành địa chỉ của nhiều người đến học hỏi cách thức làm ăn. Ông tâm sự: “Giúp được người khác là tôi cảm thấy vui, vì vậy, nếu ai có nhu cầu cứ liên hệ, tôi sẵn sàng giúp đỡ”. Với 16.000m2 mặt nước, ông nuôi hàng triệu con cá giống, nhiều nhất vẫn là những loại cá thông dụng như bảy màu, hồng kim, hắc kim, lia thia. Cách đây không lâu, khi phong trào chơi cá la hán phát triển rầm rộ, ông xây thêm hồ ép cá la hán. Ông cho rằng, mặc dù chỉ nuôi cá bình dân, nhưng quan trọng là chúng chưa bao giờ lỗi mốt, người chơi vẫn thích. Mỗi ngày, trung bình ông giao 3.000 – 5.000 con cá cảnh, trừ chi phí lãi vài triệu đồng, mỗi tháng, ông lời cả chục triệu đồng. Ông Phép khẳng định, kinh doanh cá cảnh đang là một trong những ngành siêu lợi nhuận. Mỗi sáng, cứ khoảng 5 giờ là người của trại cá Ba Phép đã có mặt tại các chợ cá cảnh lớn nhỏ trong thành phố để phân phối hàng đi khắp nơi.
Xem thêm: Hoa hồng rễ trần là gì
Tuy đã là tỷ phú nhưng ông vẫn chẳng thay đổi so với ngày xưa. Vẫn bộ quần áo giản dị, sáng sáng ông vẫn tự tay thả thức ăn cho từng hồ cá. Giữa bốn bề hồ cá là căn nhà kiên cố nhưng ông ít khi ở. Ông làm một cái chòi lợp lá để đêm đêm nằm ngắm trăng, hóng gió, nghe tiếng cá quẫy, ếch kêu trên đồng. Với ông, đó là niềm hạnh phúc!
Hương Anh